Hằng năm, vào dịp tháng tư âm lịch khi ánh trăng vàng đổ xuống làng quê, mẹ tôi gánh nước lên chùa để chuẩn bị cho ngày Phật đản vào sáng hôm sau.
Sau bữa cơm chiều, tôi cùng với mẹ lên chùa tụng kinh sám hối. Tan thời kinh sám hối, đường làng trở nên vắng vẻ, loáng ánh trăng ngà lấp ló cùng những rặng phi lao vi vu cùng gió, vài tàng cổ thụ im lìm núp dưới ánh kiêu sa. Đêm trăng huyền diệu, vạn vật ru mình yên tĩnh, chỉ còn âm thanh của nước, tiếng bước chân chạy thình thịch từ giếng cổ Ông Hai đến bể nước chùa Nhài với đoạn đuờng gần môt ki lô mét heo hút. Tôi không biết mẹ đã gánh bao nhiêu đôi nước trong đêm đó mới đổ đầy bể nước của chùa lớn xấp xỉ gần cái sân phơi lúa của nhà tôi.

Khi hai thùng nước đã đầy ắp, tôi cầm cái gàu múc nước chạy sau gánh nước của mẹ. Nhìn cây đòn gánh ùn xuống như muốn gãy, tôi thắc mắc, “tại sao hai vai của mẹ lại cứng hơn cái đòn gánh vậy mẹ?” Mẹ hổn hển, “bởi vì đức Phật ngồi trên hai vai của mẹ.” Mặt nước yên tĩnh trên đôi chân thoăn thoắt của mẹ. Tôi thấy hai chú Cuội và hai gốc cây đa trên hai thùng nước, thực mầu nhiệm! Tôi chạy lon ton theo thùng nước để nhìn kỹ mặt ông Cuội, qua những bóng cây, ông Cuội khi ẩn khi hiện, mẹ chạy, hai ông Cuội cùng chạy, hai cây đa cùng chạy, hai hàng cây cong theo con đường cùng chạy và tôi tất tưởi chạy theo…khi hai thùng nước của mẹ đổ vào bể, ánh sáng văng tràn lan, hai ông Cuội tan biến.
Tôi tiếp tục chiêm ngưỡng ông Cuội với những gánh nước kế tiếp của mẹ. Cầm cái gàu chạy sau lưng mẹ trong bầu vũ trụ miên man trong đêm trăng huyền ảo cho đến khi bể chứa nước ngập tràn, và khi tiếng gà khuya chợt gáy. Tôi trở về nhà cùng mẹ và nhận ra rằng áo quần mình đã ướt sũng, và sợi dây gàu múc nước đã tả tơi cát bụi, khi cùng tôi lê lết trên đoạn đường chạy theo hai ánh trăng trong.
Tịnh Quang
No comments :
Post a Comment