Sunday, June 30, 2013

Lễ giỗ 5 năm Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang

Lâm Hoài Thạch/Người Việt 

PHELAN, California (NV) - Lễ giỗ 5 năm ngày Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang viên tịch vừa được môn đồ pháp quyến chùa Quang Thiện, Ontario, tổ chức vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy tại Tu Viện Sơn Tùng, Phelan, California.
Tuy thời tiết rất nóng, Tu Viện Sơn Tùng lại tọa lạc trên vùng cao của sa mạc, lễ giỗ vẫn thu hút trên 300 Chư Tôn Ðức Tăng Ni và đồng hương Phật tử đến tham dự.
Lễ giỗ vị cố tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng trùng với lễ chung thất cố Hòa Thượng Thích Nguyên Lai.

Các chư tăng bên di ảnh cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang trong ngày giỗ năm năm tại Tu Viện Sơn Tùng, Phelan. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)



Hòa Thượng Thích Minh Dung, trụ trì Tu Viện Sơn Tùng, trưởng ban tổ chức, nói: “Hôm nay là ngày 29 Tháng Sáu, 2013, xin thay mặt cho Môn Ðồ Pháp Quyến cám ơn Chư Tôn Ðức Tăng Ni từ xa quang lâm chứng minh hộ niệm cho buổi Lễ hôm nay. Môn Ðồ Pháp Quyến chúng con được may mắn nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông phổ biến tin tức này được rộng rãi. Nhờ đó, Chư Tôn Ðức Tăng Ni và Phật tử đã về đây rất đông. Cũng trong ngày lễ này, chúng ta xin nguyện cầu giác linh của cố hòa thượng phù hộ cho Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại mỗi ngày được phát triển thêm.”

“Tu Viện Sơn Tùng được thành lập cách đây khoảng hai năm sáu tháng. Cơ sở này do một gia đình Phật tử ở tiểu bang xa hiến cúng cho chùa Quang Thiện. Tu Viện Sơn Tùng được thành lập để làm nơi chuyên tu cho các Chư Tôn Ðức Tăng Ni cũng như cho các Phật tử. Từ ngày thành lập đến nay, tất cả Chư Tăng Ni ở chùa Quang Thiện đã thường đến đây để tu học rất nhiều,” hòa thượng cho biết thêm.

Theo ban tổ chức, chương trình bao gồm: lễ cầu siêu cho hai vị cao tăng; những anh hùng vị quốc vong thân; những thuyền nhân, bộ nhân đã bỏ mình trên đường tìm tự do, được tổ chức vào lúc 8 giờ tối Thứ Sáu.

Các chư tăng quỳ trước di ảnh cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
 
Ngày Thứ Bảy gồm có Lễ Tiên Tiến cúng Giác Linh, Lễ Cung Thỉnh Ðại Tăng quang lâm chánh điện, và Cúng Dường Trai Tăng.

Kế đến, Hòa Thượng Thích Nguyên An và đạo hữu Quang Tuệ tuyên đọc tiểu sử của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang bằng Việt ngữ và Anh ngữ. Tiếp theo là phần đọc kinh cúng dường cho nhị vị Hòa Thượng do các Chư Tôn Ðức Tăng Ni của nhiều sắc dân cùng tụng niệm qua những Thời Kinh: tụng Kinh Kim Nam Tông; tụng Kinh Tây Tạng; tụng Kinh Ðài Loan; tụng Kinh Tiếng Mỹ.

Chương trình tiếp theo gồm có Tụng Kinh Cúng Dường, do Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa đảm trách vơi sự phối tụng của các Chư Tôn Ðức Tăng Ni và đồng hương Phật tử; Lễ Phục Nguyện do Hòa Thượng Thích Thắng Hoan điều hợp; Ðảnh Lễ Tri Ân của Môn Ðồ Pháp Quyền do Hòa Thượng Thích Minh Dung phụ trách.

Cuối cùng là phần dâng cúng Tịnh Tài, dâng cúng tặng phẩm và Lễ Cúng Thí Cô Hồn.

Theo tài liệu của ban tổ chức, Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, thế danh là Lê Ðình Nhàn, sinh ngày 19 Tháng Chín, 1920, nhằm ngày mồng 8 Tháng Tám năm Canh Thân, tại làng Hóa Ðức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ, pháp danh Như Hương. Thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư, pháp danh Như Tâm.
Các chư tăng quỳ trước di ảnh cố Ðại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngài vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội và thân phụ của ngài cũng người Nho gia nổi tiếng trong vùng này. Nhờ vậy, lúc còn bé ngài theo ông nội và thân phụ học chữ Nho, tuổi còn nhỏ, nhưng học đâu nhớ đó và nổi tiếng là thông minh, có trí nhớ siêu việt.

Năm 1934, vì thấy tư chất thông minh của ngài, cụ thân sinh cho ngài đến chùa Vĩnh Khánh học thuốc Ðông y với cố Hòa Thượng Thượng Chơn Hạ Ðạo, hiệu Chí Tâm, là một vị Ðông y nổi tiếng. Hòa thượng thấy ngài có khả năng chữ Nho giỏi lại viết chữ đẹp, thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc lại dạy Kinh Luật, rồi cho ngài xuất gia quy y Tam Bảo.

Sau này, ngài theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh, rồi ra Huế.

Tháng Tám, 1945, ngài tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và thành lập Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5, giữ chức vụ phó chủ tịch kiêm tổng thư ký. Lúc bấy giờ Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 tổ chức hàng ngũ quy mô và quản lý chặt chẽ, vì nguyên nhân đó mà chính quyền Việt Minh lâm thời nghi kỵ và theo dõi ngài. Năm 1951 vì chống đối chính sách can thiệp vào nội bộ Phật Giáo của Việt Minh cho nên, ngài đã bị bắt và an trí ở Phù Mỹ, rồi Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cho đến Tháng Sáu, 1954, mới được thả tự do.

Sau đó, ngài nắm một số chức vụ, khai sơn và thành lập một số cơ sở Phật Giáo.

Năm 1958, cùng với chư tăng Bình Ðịnh, ngài khai sơn Tu Viện Nguyên Thiều và thành lập Phật học viện Nguyên Thiều. Từ đó, ngài giữ vai trò giám viện cho đến cuối đời.

Năm 1963, ngài tham gia cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và đòi hỏi xóa bỏ Dụ Số 10 (quy Phật Giáo là một hiệp hội như thế tục). Vì muốn dập tắt cuộc vận động, chính quyền mở chiến dịch tấn công vào các chùa chiền và bắt hầu hết tăng ni trong đêm 20 Tháng Tám, trong đó có ngài. Ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, ngài được trả tự do.

Sau đó, ngài được cung thỉnh vào chức vụ tổng thư ký Viện Hóa Ðạo kiêm tổng vụ trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ, và tiếp tục lãnh đạo Phật Giáo và đại diện Phật Giáo Việt Nam đi một số quốc gia tham dự các đại hội tôn giáo, cũng như góp phần vào việc tái thiết quốc gia.

Tại Ðại Hội kỳ 6 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1974, ngài được cung thỉnh vào chức phó viện trưởng Viện Hóa Ðạo.

Từ năm 1975-1978, ngài cho tiến hành điều tra và phúc trình các vụ bắt bớ, chiếm dụng chùa chiền và cơ sở Giáo Hội một cách trái phép, phá hủy các tượng Phật, các di tích Phật Giáo của chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1977, ngài bị bắt cùng lúc với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn, và Cố Hòa Thượng Thích Thông Bửu, v.v... và bị biệt giam tại số 4 Phan Ðăng Lưu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Sau 18 tháng tù, ngài bị đưa ra tòa xét xử, kêu án hai năm và quản chế tại chỗ.

Dù bị quản thúc, ngài vẫn cùng với các vị hòa thượng lãnh đạo trong Viện Hóa Ðạo cương quyết phản đối việc chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Vì vậy, ngài bị chính quyền Cộng Sản bắt ngày 25 Tháng Hai, 1982 rồi trục xuất khỏi Sài Gòn, đưa về an trí tại chùa Hội Phước, tỉnh Nghĩa Bình, còn Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ thì bị đưa đi an trí tại tỉnh Thái Bình. Tại Nghĩa Bình, ngài đã bị án lệnh cấm hành nghề tôn giáo, cấm phiên dịch kinh và các nghề nghiệp khác.

Năm 1992, Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu viên tịch, ấn tín của giáo hội được trao cho ngài, tiếp tục lãnh đạo giáo hội, trong cương vị quyền viện trưởng Viện Hóa Ðạo kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống.
Sau đó, ngài viết yêu sách 9 điểm gởi các cơ quan cao nhất của chính quyền Cộng Sản Việt Nam nhằm mục đích nói lên thảm trạng của HPGVNTN đang bị nhà nước Cộng Sản đàn áp, khủng bố các hàng giáo phẩm của Giáo Hội và các Phật tử trong nước, đồng thời lên án đảng, nhà nước lập ra GHPGVN làm công cụ chính trị chia rẽ nền Phật giáo dân tộc.

Chính quyền Cộng Sản không hồi đáp, và tiếp tục gây khó khăn cũng như tìm cách quản thúc và cô lập ngài.

Tại Tu Viện Nguyên Thiều thời gian cuối đời, tuy tuổi già sức yếu, lúc nào ngài cũng thao thức cho tiền đồ Phật Giáo.

Sau một thời gian bị bệnh, ngài viên tịch ngày 4 Tháng Bảy, 2008.

Dù bận rộn Phật sự của Giáo Hội, ngài vẫn không quên thường xuyên thực hiện hai tâm nguyện mà xem là trọng đại trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp để cứu khổ sinh dân, đó là mở trường lớp để dạy dỗ Tăng, Ni hầu ươm mầm tương lai cho đạo pháp, và phiên dịch trước tác kinh luật luận và giáo nghĩa phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn.

Chính vì tâm nguyện đó, mà ngài đã tinh cần tụng đọc toàn bộ Ðại Tạng Kinh trong suốt mười mấy năm lao tù và quản chế, đồng thời phiên dịch và trước tác nhiều tác phẩm như Thiền Môn Chánh Ðộ, Chư Tăng và Thế Nhơn, Nhi Cúng Chư Tổ và Chư Vị Cao Tăng, Ðạo Tràng Công Văn Tân Soạn, Thiếu Thất Lục Môn, Phật Pháp Hàm Thụ, Pháp Sự Khoa Nghi, Nghi Thức Cúng Giao Thừa, Phật Pháp Áp Dụng Trong Ðời Sống Hằng Ngày...

Suốt cuộc đời thị hiện trên thế gian tròn 89 năm, cố Ðại Lão Hòa Thượng Ðệ Tứ Tăng Thống đã thể hiện trọn vẹn công hạnh xuất trần thượng sĩ và cứu khổ quần sinh của một vị Bồ tát. Ngài đã đem thân mạng ra để gánh chịu bao khổ não thay cho dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

Với nếp sống giản dị, thanh bần, với tâm lượng bao dung khoáng đạt, với chí nguyện cao cả thiêng liêng, với trí tuệ mẫn duệ sâu sắc, ngài là một nhà lãnh đạo vừa đắc nhân tâm, vừa bản lãnh và sáng suốt.

Với biển học mênh mông và tầm nhìn thấu triệt mọi sự, với giới hạnh trang nghiêm,ngài là bậc cao tăng thạc đức hy hữu trong chốn thiền lâm mà hàng trăm năm không dễ có được.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS