Tuesday, May 13, 2014

Trận đấu 'giàn khoan HD 981' trên bình diện ngoại giao

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

HÀ NỘI (NV) - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dò dầu khí vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây nên một cuộc đối đầu căng thẳng từ hai tuần lễ qua.
Ðây là một cuộc đối đầu không ngang sức trên tất cả mọi bình diện quân sự, kinh tế, chính trị. Thực trạng của một nước nhỏ nằm bên cạnh một nước quá lớn là khi có tranh chấp nếu như không thua thì Việt Nam cũng không có gì để thắng, chỉ có thể tìm cách tránh khỏi hoặc nếu không được thì giới hạn tổn thất càng nhiều càng hay. Muốn như vậy Việt Nam phải tìm cách đưa cuộc đối đầu từ song phương trở thành đa phương để ngăn cản bước tiến tới của Trung Quốc.
Từ lâu, nhà cầm quyền Việt Nam đã chuẩn bị sách lược này. Sau khi thoát khỏi thế cô lập trong thập kỷ 1970 và 1980, Việt Nam nỗ lực xây dựng vị thế trong khối các quốc gia Ðông Nam Á và phát triển quan hệ tốt đẹp với nhiều nước khác trên thế giới. Trong lịch sử không bao giờ có việc gì hoàn toàn sẵn sàng trước khi phải sử dụng tới, và bây giờ chính là lúc người ta sẽ thấy Việt Nam vận dụng những chuẩn bị ấy tới được kết quả như thế nào.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về tình hình căng thẳng trên Biển Ðông trong đó mạnh mẽ nhất là những nhận định từ phía Hoa Kỳ. Ðiều ấy không có nghĩa là Hoa Kỳ hay một số quốc gia nào khác trực tiếp can thiệp tới một chừng mực nào đó, tất nhiên không thể có can dự bằng quân sự, nhưng tác dụng liên đới sẽ có hiệu lực rất quan trọng.
Ba ngày sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 vào vùng biển Việt Nam, nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã nói rằng Hoa Kỳ coi việc làm này là một hành động khiêu khích. Một tuần sau, hôm Thứ Ba, 13 Tháng Năm, bà Psaki nhấn mạnh thêm: “Ngoại Trưởng Kerry nói rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu và nhiều tàu bè nhà nước vào hải phận có tranh chấp với Việt Nam là một hành động khiêu khích,” và “ông kêu gọi cả hai phía hãy tìm cách giảm thiểu tình trạng căng thẳng, bảo đảm an toàn hải hành cho tàu bè trong vùng và giải quyết tranh chấp bằng đường lối ôn hòa, theo luật quốc tế.”
Trước đó, sau cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng K. Shanmugam của Singapore đang thăm Washington, DC, ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ và các nước quan ngại sâu sắc về hành động “hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Ðông. Hai ngoại trưởng đồng ý “muốn thấy việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử, chúng tôi muốn thấy vụ việc này được giải quyết một cách hòa bình bằng luật biển, thông qua trọng tài hay bất cứ biện pháp nào khác, nhưng không phải là đối đầu trực tiếp và hành động hung hăng.” Ngoại Trưởng Kerrycho rằng “cần đạt một tình hình mà trong đó, các bên giải quyết tranh chấp và sự khác biệt theo cách tất cả đều chấp nhận được.”
Ngoại Trưởng Kerry cũng trực tiếp điện đàm với Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc và tỏ bày những ý kiến đó. Nhưng Trung Quốc phản ứng trước sự phê phán của Hoa Kỳ, bày tỏ sự không hài lòng về “can dự của Mỹ” và lập luận rằng “vấn đề Biển Ðông phải được giải quyết qua các cuộc thảo luận trực tiếp với từng quốc gia liên hệ.” Ðiều này có nghĩa là với lập trường cố hữu, Trung Quốc chỉ muốn vấn đề được giải quyết song phương - giữa Trung Quốc với từng quốc gia để chiếm lợi thế - và luôn luôn từ chối đối thoại đa phương để bị lộ ra những tham vọng của mình.
Mặc dầu các hãng tin quốc tế gọi đây là chỉ là sự đấu khẩu giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, nhưng khi phải công khai đề cập đến chuyện này, Bắc Kinh mặc nhiên nhìn nhận đã hành động đáng chê trách đối với Việt Nam trong những tranh chấp chưa được thanh toán xong.
Phản ứng một cách thụ động bằng cách xuyên tạc sự kiện và đổ lỗi ngược lại, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng “rõ ràng là có hành động khiêu khích trong vùng Biển Ðông, nhưng không phải từ phía Trung Quốc, mà là lỗi của Mỹ khi khuyến khích các thái độ như vậy.” Nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói thêm: “Chúng tôi hy vọng là phía Mỹ hãy suy nghĩ cho kỹ - nếu họ thật sự mong có hòa bình tại Thái Bình Dương, thì họ muốn đóng vai trò nào?” Bà Hoa còn cho biết thêm là Ngoại Trưởng Vương Nghị đã yêu cầu Ngoại Trưởng Kerry hãy nhìn vấn đề Biển Ðông “một cách khách quan và công bằng” và hãy “hành động và có phát biểu cẩn thận.”
Cuối tuần trước, bà Catherine Ashton, ngoại trưởng Liên Âu, cũng đã phê phán hành động tấn công của tàu Trung Quốc vào tàu Việt Nam là sự đe dọa nguy hiểm cho an ninh và hòa bình khu vực.
Bộ Ngoại Giao Ấn Ðộ cũng đưa ra thông cáo kêu gọi các bên “giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với cá nguyên tắc phổ quát được công nhận của luật pháp quốc tế.” Phản bác quan điểm của Ấn Ðộ, Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ. Nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong buổi họp báo hôm Thứ Hai rằng: “Tôi muốn nói với nhân dân Ấn Ðộ rằng họ không nên lo lắng quá nhiều về tình trạng hiện nay ở Biển Ðông.” Bà Hoa cũng đã từng dùng luận điệu “Biển Ðông không liên quan gì đến Ấn Ðộ” khi nói là giàn khoan nước sâu HD 981 “không liên quan gì đến vùng biển của Việt Nam” và “Hoa Kỳ không liên quan gì với chuyện này.”
Như đã đề cập, quan điểm nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay là không muốn để cho các cường quốc ngoài khu vực xen vào vấn đề Biển Ðông để cho họ dễ chén ép các nước nhỏ hơn ở vùng Ðông Nam Á.

Các nhà lãnh đạo quốc gia ASEAN chụp hình kỷ niệm tại hội nghị thượng đỉnh kỳ thứ 24 và lần đầu tiên tại Miến Ðiện. (Hình: Christophe Archambaul/AFP/Getty Images)
Cho đến nay Hoa Kỳ, Nhật, Liên Âu, Ấn Ðộ, và Úc đều đã bày tỏ sự quan ngại đối với tình hình căng thẳng ở Biển Ðông, điều ấy chứng tỏ rằng Trung Quốc buộc phải bị trở ngại không thể tự tung tự tác hành động theo ý riêng của họ.
Nga vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và là nước cung cấp nhiều vũ khí cho Hà Nội. Tuy nhiên, một phần do đang hướng trọng tâm vào vụ khủng hoảng Ukraine, mặt khác đang có cuộc tập trận hải quân hỗn hợp với Trung Quốc, nên chưa tỏ bày ý kiến gì về vụ giàn khoan HD 981.
Nhưng ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung Tâm Ðông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Phương Ðông, có nhận định về vụ này. Ông cho rằng: “Các nước khu vực Ðông Nam Á không thể không phản ứng với cuộc xung đột trở nên trầm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau sự xuất hiện của giàn khoan Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.” Theo ông: “Tất cả đều rõ tính bất hợp pháp trong các hành động của Trung Quốc. Khu vực là thềm lục địa ngoài khơi của Việt Nam và chỉ có thể tiến hành hoạt động tại đây với sự đồng ý của Việt Nam hoặc cùng với nước này, như Hà Nội đã đề xuất.”
Do đó, các ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức này đưa ra một bản lên tiếng chung trực tiếp đề cập về tình hình căng thẳng ở Biển Ðông. Còn tại hội nghị cấp cao lần thứ 24 họp tại thủ đô Naypyidaw của Miến Ðiện, mặc dù thủ tướng Việt Nam và tổng thống Philippines nỗ lực kêu gọi xem xét chi tiết hơn về vấn đề trở thành nguyên nhân căng thẳng trong khu vực, hầu hết các nước ASEAN đã đi tới lựa chọn lời tuyên bố chung khá quanh co, kêu gọi “Tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ Quy Tắc về Ứng xử ở Biển Ðông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên Tắc 6 Ðiểm của ASEAN về Biển Ðông” và không nhắc gì đến Trung Quốc.
Tuy vậy, trước các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có cơ hội nêu đích danh “ông láng giềng khổng lồ.”
Ông Dũng nói: “Ðây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông” và “đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.”
Ông Mosyakov giải thích: “Ở đây, có nhiều thứ được đặt lên bàn cờ: ASEAN và Trung Quốc vốn ràng buộc chặt chẽ trong các quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại của hai bên tiến tới con số $400 tỉ. Mặt khác, mọi quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự đồng thuận của toàn thể 10 quốc gia thành viên, nên một số nước có thể coi tình hình hiện nay còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để trở thành lý do thông qua các nghị quyết lên án gay gắt Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế để làm tổn thất cho hoạt động kinh doanh tốt đẹp với Bắc Kinh. Ngoài ra, chưa biết là giàn khoan Trung Quốc có phát hiện được gì gần quần đảo Hoàng Sa, hay liệu Trung Quốc có tiếp tục các hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam hay không.”
Tóm lại, tuy chưa chính thức, xung đột về giàn khoan HD 981 đã thành vấn đề được quốc tế hóa và Trung Quốc không dễ dàng để đẩy mọi chuyện đi tới theo cách của họ. Người ta chờ xem cuộc đối đầu phức tạp này sẽ đi đến kết cục thế nào.

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS