Thursday, September 10, 2015

Biển Thơm

Thuần Bạch

Xe du lịch nhỏ và xe ca trung, tức loại micro bus đã tới đủ. Trong lúc chờ thầy Viện chủ, tôi khệ nệ ôm túi máy ảnh lên chiếc xe ca ngồi, trong lòng cũng hơi áy náy vì mình nhỏ nhất trong đoàn mà dám lên xe trước nhất. Cũng vì tôi muốn tranh thủ xem lại lý lịch (!) các thiền sư, hy vọng sẽ được hội ngộ hôm nay. Nếu để xe chạy, đường xấu, xốc nhiều, khó đọc, ngoài ra tôi cũng muốn ngắm cảnh. Các chùa này đều mới lạ đối với tôi, vì không nằm trong chương trình ba lần tham quan trước đây.

        Như thường lệ, xe qua cầu Chương Dương ra khỏi thủ đô. Từ đường tráng nhựa xe chạy dần vào đường đất rồi leo lên bờ đê. Hơn một tiếng đồng hồ sau chúng tôi đến điểm thứ nhất. Tôi bước vội xuống xe, nhanh chân đến cổng chùa, nhân lúc hai xe ca lớn chở Phật tử chưa đến, tôi muốn chụp ngay một tấm ảnh để tránh đông người. Ghi xong cổng chánh màu đỏ chói vào phim, tôi nhập vào đoàn người phía sau và vào theo cổng nhỏ hai bên. Đến tận trong sân gặp người dân địa phương đang dõi mắt nhìn chúng tôi, hỏi thăm thì hóa ra đây là đền Thánh Gióng chớ chưa phải chùa Kiến Sơ. Thấy chúng tôi chùn chân, họ bèn sốt sắng:
        - Có tượng đức Thánh Gióng to và đẹp lắm!
        Một người trong đoàn hỏi:
        - Mà chị có biết chùa Kiến Sơ ở đâu không?
        - Ngay đây thôi! Phía sau đền.
        Chúng tôi liền mạnh dạn đi thẳng vào trong.
        Tượng Thánh Gióng thật to, vẻ mặt tuấn tú khôi ngô ở tuổi thiếu niên. Nhiều người trầm trồ. Tôi từ giã cậu bé làng Phù Đổng, ba tuổi không biết nói, đột nhiên lớn mạnh mặc áo giáp cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân rồi đi theo bác hướng dẫn, hình như là người của Ban văn hóa địa phương thì phải, tiến vào chùa Kiến Sơ.
        Chùa Kiến Sơ ở làng Phù Đổng huyện Gia Lâm, ngoại thành cách Hà Nội 20 km về hướng Đông Bắc. Chùa do tăng sĩ Lập Đức thành lập và từ đó mở ra dòng thiền Vô Ngôn Thông truyền bá sâu rộng ở Việt Nam.
        Tôi lẩm bẩm tên các vị thiền sư ngụ tại đây, vừa xem qua trong quyển sổ tay:
        1/ Cảm Thành (?-860): đời thứ 1 dòng Vô Ngôn Thông, tức ngài Lập Đức.
        2/ Đa Bảo: đời thứ 5 dòng Vô Ngôn Thông, trụ trì tại đây.
        3/ Định Hương Trưởng Lão (?-1051): đời thứ 6 dòng Vô Ngôn Thông, theo học với thiền sư Đa Bảo tại đây.
        Bác hướng dẫn đầu bạc trắng, khoác chiếc "gi lê" ngoài áo sơ-mi cộc tay, mời chúng tôi vào sâu bên trong giới thiệu tượng ngài Vô Ngôn Thông và Lý Công Uẩn. Gian đối diện thờ Ngọc Hân công chúa và mẫu hậu. Về mặt điêu khắc, các tượng này không có gì đặc sắc. Thiền sư thì cạo đầu mặc cà sa, nhà vua thì đội mão khoác long bào, các bà chúa cũng mũ áo xiêm y... Tuy nhiên tượng vẫn nói lên được tấm lòng người dân đất Bắc. Sau bao nhiêu năm chiến tranh và hằng năm thiên nhiên không quên giáng xuống xiết bao tai họa, nào bão lụt, thất mùa... người dân Việt Nam vẫn kiên cường và nhẫn nại bảo vệ di tích tổ tiên. Bao nhiêu giọt mồ hôi đã tuôn ra, bao nhiêu tiền và của đã chắt chiu trên mảnh đất khô cằn này. Mái chùa cũ kỹ, có lẽ đã qua nhiều cuộc trùng tu, nhưng mười thế kỷ tôi đi, biết bao cuộc bể dâu trong lòng đất trời và trong tâm nhân loại.
        Tôi bồi hồi nhìn mái ngói xiêu vẹo, trên cùng có đề chữ Hán bằng xi-măng: Kiến Sơ Tự. Cây cối chung quanh cao lớn rậm rạp, có vẻ già cỗi. Điện thờ chật và tối quá nên mọi người không thể ở lâu, đổ xô ra ngoài sân nghe bác hướng dẫn thuyết minh: "Ngài Vô Ngôn Thông đến đây giáo hóa. Vô Ngôn là không nói, chỉ có thiền định..." Bác quên không giải thích thêm "thông" là thông suốt tức đã đạt đạo.
        Thiền sư Vô Ngôn Thông người Trung Quốc, quê ở Quảng Châu. Sư ngộ đạo với tổ Bá Trượng Hoài Hải nhân câu: "Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu" (đất tâm nếu không, mặt trời trí huệ tự chiếu). Năm 820 TL. Sư sang Việt Nam ở chùa Kiến Sơ, được thiền sư Cảm Thành tôn làm thầy, khai sáng dòng thiền Vô Ngôn Thông truyền đến 15 đời với 40 thiền sư trong đó có hai vị được chọn đặt tên cho hai thiền viện của chúng tôi là thiền sư Viên Chiếu (1090) đời thứ 7 và thiền sư Thường Chiếu (1203) đời thứ 12, và nhiều vị có ảnh hưởng mạnh trong nhân gian như thiền sư Không Lộ (?-1119) đời thứ 9, Nguyễn Minh Không (1067-1154) đời thứ 10, Khuông Việt (933-1011) đời thứ 3, Mãn Giác (1052-1096) đời thứ 8...
        Lúc này bác hướng dẫn đã được trang bị một cái micro sans fil", trông bác thật oai vệ, nói năng thao thao bất tuyệt. Bác đứng trên nền chùa cao, sau lưng là dãy Ba Động, từ một dãy hang động nhân tạo thờ các vị A-la-hán đứng đầu là tổ Bồ-đề-đạt-ma. Đoàn chúng tôi, một nhóm đứng phía dưới sân ghi ghi chép chép, một nhóm còn lẩn quẩn theo Thầy quan sát nơi nơi. Tôi chợt nhớ đến ni viện Hương Hải cũng ở làng Phù Đổng. Chờ bác vừa tạm dứt câu tôi xen vào hỏi:
        - Bác ơi! Bác có biết chùa Hương Hải, cũng ở làng này không bác?
        - Có đấy.
        - Gần hay xa vậy bác?
        - Ở ngay đây thôi.
        - Bác chờ một chốc, cháu thỉnh ý Hòa thượng rồi xin bác dẫn đi dùm nhé!
        - Vâng. Khi xưa các sư cụ tu học bên Hương Hải rồi qua Kiến Sơ thi đấy!
        Thế là tôi đi tìm Thầy hớn hở báo cáo. Thầy bằng lòng. Đoàn ra khỏi chùa Kiến Sơ, băng ngang một chiếc cầu xi-măng nhỏ, theo đường mòn trong làng. Chúng tôi lúp xúp bước sau thầy, vừa đi vừa chú ý dưới chân, tránh những bãi phân trâu (hay bò?). Nền đất ẩm ướt, cỏ mọc xanh um hai bên đường. Đi bộ khoảng vài trăm thước là đến ni viện Hương Hải.
        Kiến trúc của ni viện cũng không khác với chùa Kiến Sơ. Khác chăng là tấm biển xi-măng trên nóc chùa đề tên: Hương Hải Tự. Trong điện thờ không có tượng gì đặc biệt. Có vị trụ trì tiến ra đón đoàn. Sau khi được giới thiệu, Thầy nói mục đích tham quan và nhờ sư cho mượn tài liệu về gia phả của ni viện. Hàm răng đen nhánh với chiếc khăn nâu, một kiểu chích khăn đặc biệt của chư ni miền Bắc, có hai chéo khăn thò dưới mép khăn, sau hai tai, sư vui vẻ trả lời là chùa không có sách vở chi hết. Thầy cố gắng giải thích thêm:
        - Sư vui lòng cho chúng tôi mượn gia phả hay là khoa cúng của các vị sư đã dừng ở chùa đây. Chúng tôi xem và xin trả lại tại đây sau khi chụp ảnh.
        Sư già vẫn nhoẻn miệng hạt tuyền, lắc đầu:
        - Không có ạ!
        Thầy im lặng. Các Phật tử chưa chịu thua tiếp lời:
        - Sư cho chúng tôi mượn kinh sách về cúng kiến các vị Tổ trước đây.
        - Kinh à? Kinh thì có đấy!
        Rồi sư đi lấy chìa khóa mở tủ kinh. Chúng tôi theo sư băng một khoảng sân hẹp qua nhà hậu phía sau. Mùi ẩm mốc xông lên. Sân quá trơn trợt. Tôi bước dè dặt, tay giữ chặt chiếc máy ảnh. Sư mở tủ, chúng tôi phụ sư bê ra hết chồng này đến chồng khác, toàn là chữ nho, in có, viết tay có, chất đầy trên chiếc bàn kê sát cửa. Thầy ngồi xuống mở ra xem. Nhiều quá!
Quý sư cô cũng phụ vào xem với quý thầy.
        - Kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn...
        - Mình lựa kinh tụng ra trước rồi hãy đưa Thầy xem.
        Lòng tôi thấy vui hẳn lên vì nhờ "sáng kiến" của mình mà góp thêm được tài liệu cho Thầy. Nhất là ngay nơi đất già lam của một thiền sư ni Việt Nam, có thể nói đầu tiên được sử sách ghi chép: sư Diệu Nhân.
        Sư ni Diệu Nhân (1041-1113) thuộc đời thứ 17 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Tục danh Lý Ngọc Kiều, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương, được vua Lý Thánh Tông nuôi trong cung, lớn lên gả cho quan châu mục ở Châu Đăng. Chồng mất, bà thủ tiết, thấy rõ lý vô thường bèn xuất gia. Sư đến chùa Bảo Cảm làng Phù Đổng học hỏi và đắc pháp với thiền sư Chân Không (1045-1100) thuộc đời 16 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, và được thầy dạy trụ trì ni viện Hương Hải này.
        Tôi nhớ lại có lần thầy Viện chủ thố lộ:
        - Vì thầy ngưỡng mộ thiền sư Chân Không, nên lấy tên đặt cho tu viện Chân Không ở Vũng Tàu.
        Tồi bồi hồi nhủ thầm:
        - Nay Thầy đã nối pháp người xưa,còn chúng con, đệ tử Thầy có ai sẽ nối chí vị sư đầu tiên của dòng thiền đầu tiên Việt Nam?
        Tên ngôi thiền viện của Sư: Hương Hải là Biển Thơm. Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy: "Nước biển có một vị duy nhất là mặn, giáo pháp của Như Lai có một vị duy nhất là giải thoát". Chúng con như người đã đi trong nắng hạ, trầm mình trong ngọn gió rát da từ lâu, nay đến được đây, vùng Biển Thơm, phút chốc có luồng gió mát đầy hơi ẩm đánh bạt ngọn gió nóng bỏng. Luồng gió này chính là hương biển: mùi muối mặn có pha lẫn chất iốt. Má tôi khi xưa còn ở với tôi - thường bảo:
        - Gió biển tốt lắm đó con! Như má đây có bướu cổ, không cần xuống tắm, chỉ ngồi trên bãi hóng gió cũng thấy khỏe nhiều.
        Tuy chưa thật sự nếm được vị mặn của biển giải thoát, chúng con kẻ ít người nhiều, cũng đang thưởng thức hương thơm của biển. Với hương thơm này chắc chắn là chúng con không đi lạc đường. Gió biển đã thổi đến thì nước biển sẽ không xa.
        Thầy lựa xong được một số tài liệu. Có cô T.Trí và chị T.Hòa giúp, tôi bày chiếc ghế kê máy ảnh, lấy máy ra và bắt đầu bấm. Những nét chữ nho đen đậm hiện trên hình khung kính. Sau khi điều chỉnh tốc độ ánh sáng và khẩu độ, tôi lấy "focus", lựa ngay nét sổ (!) là chính xác nhất. Xoay tròn ống kính sao cho hai đoạn hình chặp lại thành một thẳng đứng là được. Tôi tiếp tục bấm hết "pose" này đến "pose" khác. Tên những vị tiền bối trong dòng Thiền lần lượt hiện lên từ trang nọ đến trang kia.
        Xong việc, chúng tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Đa số Phật tử đã ra xa.
        - Hồi ở chùa Kiến Sơ hình như "bồ" quên mở nắp máy khi chụp các bức tượng.
Chị T.Hòa nhắc tôi.
        - Mình hãy trở lại rồi ra xe luôn, chỗ này quan trọng, không có hình không được.
        Tôi đáp.
        Thế là hai chúng tôi nhanh chân quay lại chiếc cầu nhỏ vào chùa chụp lại. Không có khách chùa vắng vẻ lạ thường. Tấm đệm vẫn treo gần cửa ra vào chánh điện trông ảm đạm làm sao! Tôi thầm nói lời giã biệt:
        - Chúng con xin mang về pháp danh và đạo nguyện của chư Tổ, và xin gởi lại tấm lòng biết ân và kính mộ.
        - Hai cô vui lòng trở lại một chút để quay phim.
        Thầy P.Trí vừa khoác tay vừa gọi chúng tôi. Tôi và chị T.Hòa đành trở lại để chờ 4, 5 thầy đi tới rồi theo sau bước lên bờ đê. Đến con đê, Thầy và cả đoàn còn đứng đợi quay phim ra về.
Ngồi trên xe tôi như còn nghe rất rõ lời bác hướng dẫn dạy các em thiếu nhi tại ni viện Hương Hải:
        - Các cháu thấy không, đây là một di tích lịch sử rất quý báu. Quý Hòa thượng và sư thầy trong Nam phải lặn lội từ xa đến nghiên cứu. Các cháu phải có bổn phận giữ gìn, không được viết vẽ bậy lên tường, lên cột, chùa, không nên lấy gạch, đá của chùa về nhà lót đường, lót sân... Đây là vốn quý của dân tộc.
        Tôi xin thêm:
        - Không chỉ là vốn quý của dân tộc mà của cả loài người.
        Thế kỷ gần đây, thế giới biết đến đất nước chúng ta có lẽ nhờ cuộc kháng chiến chống noại xâm, qua các địa danh trên báo chí hoặc các đài phát thanh về các vùng oanh kích, các điểm chiến trận... Họ đã quen biết dân tộc chúng ta có thể là qua những buổi nói chuyện về âm nhạc cổ truyền của giáo sư Trần Văn Khê, qua những cổ vật tượng thờ hầu như đã thất thoát gần hết ra nước ngoài... Ngoài ra họ có thể đã có dịp tham quan vài thắng cảnh của đất nước chúng ta như Tháp Chàm ở Quảng Nam, Nha Trang...; nhưng nếu so với Angkor Wat và Angkor Thom (Đế Thiên Đế Thích) của Kampuchia thì quá là khiêm cung. Càng khiêm cung hơn nữa là những ngôi chùa cổ kính, điển hình là Kiến Sơ, Hương Hải này, khi sánh với đền chùa ở Nhật, Triều Tiên... Tuy có thể họ biết là chúng ta có một nền tôn giáo theo Phật, nhưng nếu muốn tìm hiểu Phật giáo họ sẽ đến Ấn Độ, Tây Tạng hoặc Trung Hoa, Nhật Bổn... Còn Việt Nam thì... quả thật những gì tổ tiên chúng ta đã để lại quá nhún nhường. Cái nhún nhường và khiêm cung thật sự là do chúng ta căn cứ vào di tích bảo vật, hoặc thi văn phẩm... nghĩa là sản phẩm của tư tưởng, tức nằm trong vòng cương tỏa của thời gian. Vậy thử hỏi, không nằm trong biên cương của thời gian, không ở trong giới hạn của không gian, chư tổ Thiền tông Việt Nam có để lại gì cho chúng ta hay chăng?
        Thiền Lão Thiền Sư, vị thiền sư thứ 4 tại chùa Kiến Sơ, khi được vua Lý Thái Tông hỏi:
        - Hòa thượng trụ núi này được bao lâu?
         Đã lặp lại lời người xưa:
         Đản tri kim nhật nguyệt
         Thùy thức cựu xuân thu.
         (Chỉ biết ngày tháng này
         Ai rành xuân thu ư?)

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS