Văn học đã mượn những hình ảnh cụ thể để ví cha như vầng thái dương rực rỡ, và mẹ như ánh “trăng vàng dịu ngọt.” Có khi mênh mông hơn: cha mẹ là cả một bầu trời.
Những cách ví von ấy, thật là đẹp, thật là văn vẻ. Nhưng với tôi, mặt trời mặt trăng hãy còn xa cách lắm; và bầu trời, càng mơ hồ xa xăm hơn. Đó là cách nói của người lớn, của những người đã xa cha mẹ (để lập gia đình, để lập nghiệp)... Tôi chỉ biết ba mẹ của tôi là những vị thần tiên, nhiều quyền năng, nhiều trí tuệ, nhiều sức mạnh, và trên tất cả những thứ ấy, ba mẹ có cả nguồn tình cảm vô tận dành cho tôi.
Từ thuở lọt lòng cho đến nay, tôi luôn được trầm mình và bơi lội trong suối nguồn vô tận ấy. Trên đời không có dòng suối nào mát trong khi trời nóng nực, và ấm áp khi trời giá lạnh như là dòng suối tình cảm của ba mẹ. Đến với ba mẹ, tôi được tất cả những niềm vui và nỗi bình an. Từng miếng bánh, cây kẹo, tôi vòi vĩnh thế nào cũng được ba mẹ mua cho. Đồ chơi, áo quần, giày giép, thứ chi tôi cần cũng có. Theo ba theo mẹ lần đầu nhập học, được níu lấy tay ba mẹ là tợ như được bảo vệ bởi đấng quyền uy tối cao. Khi tôi hãi sợ bóng đêm hay những cơn thịnh nộ của sấm sét, mưa to, lửa lớn, được rúc vào lòng ba mẹ là yên tâm. Khi gặp người dữ hay ác thú, cứ nép bên ba mẹ là hết sợ. Khi bệnh hoạn, đau răng, thậm chí chỉ bị trầy xước xoàng trên da, sẽ được ba mẹ an ủi, vỗ về, chăm sóc tận tình. Khi gặp hiểm nạn, khó khăn, bị người hiếp đáp, hãy mét kể với ba mẹ, vậy là mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Cho nên, đã có lần khi tụng đọc phẩm Phổ Môn, nói về hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ-tát, hiện thân cứu khổ ban vui với tất cả những ai niệm danh hiệu và khẩn cầu đến ngài, tôi chợt liên tưởng đến ba mẹ. Hầu như cả cuộc đời tôi, ba mẹ chính là đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Những lúc nhọc nhằn, tủi nhục, đau buồn, đắng cay, thất vọng, tuyệt vọng, cho đến những khi cảm thấy lạc lõng bơ vơ ở xứ người, hay cô đơn cùng cực giữa trường đời, thì chỗ dựa an toàn, êm mát nhất cho tôi, vẫn là hình bóng của ba mẹ thương yêu.
Tôi đã nói rằng cách ví von cha mẹ với mặt trời, mặt trăng hay bầu trời là cách nói của những người lớn sẽ khiến bạn nghĩ rằng tôi hãy còn bé thơ trong mái ấm gia đình của ba mẹ. Không đâu, tôi đã lớn, đã trưởng thành lắm rồi. Nhưng chính vì suối nguồn ấy trải bao thời gian, vẫn luôn dạt dào như năm nào khiến tôi được hạnh phúc làm trẻ thơ trong vòng tay yêu thương của ba mẹ đấy thôi.
Những gì tôi tỏ bày cũng sẽ khiến bạn nghĩ rằng tôi luôn có ba mẹ bên cạnh để nũng nịu, vòi vĩnh, để được yêu thương chăm sóc mỗi ngày. Không đâu, tôi không sống gần ba mẹ; và trên thực tế thì tôi chưa từng gặp mặt ba của mình, hoặc chỉ được nhìn ông phảng phất mơ hồ khi còn nằm nôi và chập chững bước những bước chân đầu đời của mình. Có nghĩa rằng tôi đã không được diễm phúc có một mặt trời trong suốt cuộc đời của mình. Tôi cũng không được sống gần mẹ kể từ khi mới lớn. Tôi đã đánh đổi cả mặt trăng, đánh đổi cả bầu trời còn lại của mình để chọn con đường xuất gia, hướng về chân trời siêu tuyệt khác.
Mẹ tôi, thật tuyệt vời! Mẹ không chỉ là mặt trăng, mà còn là mặt trời, thay cho ba tôi, soi sáng và sưởi ấm cho anh chị em chúng tôi thật trọn vẹn. Tôi nói chữ “trọn vẹn” ở đây với tất cả ý nghĩa cao đẹp nhất của cuộc đời một người phụ nữ đức hạnh. Thương anh chị em chúng tôi mồ côi cha từ ấu thời, mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, và cả cuộc đời của mình để giữ cho bầu trời trên đầu chúng tôi luôn được xanh ngát, và giữ mãi trong tim chúng tôi một mặt trời đã khuất.
Những năm sau này, khi anh chị em chúng tôi đã ổn định cả rồi, mẹ xuất gia đầu Phật và trở thành “pháp hữu” của tôi trong nẻo đạo. Tôi thực không nhớ rõ tâm trạng của mình vui hay buồn trước việc mẹ xuất gia. Đã có khi tôi tự hỏi, không biết mẹ xuất gia vì thực sự muốn thoát ly sinh tử, hay vì muốn được chia sẻ con đường khó nhọc của con mình, hay chỉ vì muốn gần gũi đứa con út mà trong mắt bà, mãi mãi là trẻ thơ! Nhưng dù mẹ xuất gia với mục đích gì, trong giới phẩm và hình thức nào, mẹ vẫn cứ là mặt trăng, mặt trời, là bầu trời của đời tôi. Sự xuất gia của mẹ, đối với những người con thế tục, có thể sẽ mang một ý nghĩa khác, nhưng với riêng tôi, là thêm một hy sinh to lớn, một món quà to lớn của mẹ để tặng con gái út của mình.
Nhân mùa Vu Lan, tôi viết những dòng này không phải để nói riêng về câu chuyện mặt trời, mặt trăng của tôi. Tôi muốn nói cùng tất cả những người con trên đời: mặt trời là có thực, mặt trăng là có thực. Dù chúng ta có nhìn hay không, có thấy hay không, mặt trời mặt trăng vẫn luôn soi chiếu và dõi theo từng bước chân của chúng ta trên cuộc đời.
Theo Báo Chánh Pháp
No comments :
Post a Comment