
Do đặc thù từ mỗi truyền thống kiết tập, thế nên có những bản kinh
tuy cùng phản ánh một sự kiện, một nội dung nhưng lại khác biệt về tên
gọi, kết cấu, nhân vật…Việc chỉ ra những điểm giống nhau cũng như khác
biệt giữa hai truyền thống kinh điển này, đã được nhiều học giả trên thế
giới và ngay cả Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện[i], nhằm góp phần đưa Phật giáo phục hồi trở lại với vinh quang và nguồn sinh lực nguyên thủy[ii].
Với tinh thần đó, chúng tôi thử khảo sát về bài kinh Bệnh trong Tương Ưng (S.v,81)[iii] và bản kinh tương đương trong Hán tạng[iv], được gợi mở từ dòng ghi chú ngắn cuối bản kinh của dịch giả, là hòa thượng Thích Minh Châu[v].
1. Nội dung hai bản kinh.
1. Nội dung hai bản kinh.
1.1. Kinh Tương Ưng.
1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
3) Rồi Tôn giả Mahā Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahā Cunda đang ngồi một bên:
-- Này Cunda, hãy thuyết về giác chi.
5) -- Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh
thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí,
giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế
Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến
thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn
chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến
thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn
chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến
thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
-- Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi.
6) Tôn giả Mahā Cunda thuyết như vậy, bậc Đạo Sư chấp nhận. Và Thế
Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy.[vi]
1.2. Kinh Tăng-nhất- A-hàm, quyển 33, phẩm Đẳng pháp, kinh số 6.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Vào lúc bấy giờ, Tôn giả Quân-đầu thân mang bịnh nặng, nằm liệt
giường, không thể tự ngồi dậy. Khi ấy, Quân-đầu nghĩ: “Hôm nay ta không
được Thế Tôn Như Lai rủ lòng thương xót. Ta đang gặp bệnh nặng, không
còn sống bao lâu nữa. Thuốc thang không tiếp. Lại nghe Thế Tôn nói: ‘Còn
một người chưa độ, Ta quyết không bỏ.’ Song nay chỉ một mình ta bị bỏ
rơi. Còn khổ nào hơn!”
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe được lời oán trách của Tỳ-kheo Quân-đầu. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy tụ họp đi đến chỗ Tỳ-kheo Quân-đầu, hỏi thăm bệnh Tỳ-kheo ấy.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đi lần đến phòng Tỳ-kheo Quân-đầu.
Quân-đầu từ xa nhìn thấy Như Lai đến, liền tự gieo mình xuống đất. Bấy
giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu:
“Nay ngươi mang bệnh rất là nặng, không cần xuống giường. Ta tự có chỗ ngồi.”
ThếTôn bảo Quân-đầu:
“Bệnh của ngươi tăng hay giảm, hay không tăng giảm? Ngươi có thể nghe Ta dạy được không?”
Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:
“Bệnh hôm nay của đệ tử rất nặng, chỉ có tăng, không có giảm. Thuốc uống không thấm vào đâu.”
Thế Tôn hỏi:
“Người chăm sóc bệnh là ai vậy?”
Quân-đầu bạch:
“Các vị phạm hạnh đến, gặp thì chăm sóc.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu:
“Nay ngươi có thể nói cho Ta nghe bảy giác chi không?”
Quân-đầu nêu tên bảy giác chi ba lần:
“Nay con có thể ở trước Như Lai nói pháp bảy giác chi.”
Thế Tôn bảo:
“Nếu có thể nói cho Như Lai nghe thì cứ nói.”
Quân-đầu bạch Phật:
“Bảy giác chi. Những gì là bảy? Như Lai đã nói, đó là niệm giác
chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi,
định giác chi, xả giác chi. Bạch Thế Tôn, nói là có bảy giác chi này,
chính là như vậy.”
Sau khi Tôn giả Quân-đầu nói những lời này xong, mọi bệnh tật đều
được trừ khỏi, không còn khổ não. Bấy giờ,Quân-đầu bạch Thế Tôn:
“Hiệu nghiệm nhất trong các thứ thuốc, đó chính là pháp bảy giác
chi này. Muốn nói là thuốc hay nhất không qua bảy giác chi này. Con nhờ
tư duy về bảy giác chi mà bệnh gì cũng khỏi cả.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi thọ trì pháp bảy giác chi này, khéo nhớ phúng tụng,chớ
có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Mọi bệnh họan của chúng sanh kia
được trừ khỏi. Vì sao vậy? Vì bảy giác chi này rất khó lường hết, nhưng
nhờ đó tất cả các pháp đều được thấu rõ, hết thảy các pháp đều được soi
sáng. Cũng như thuốc hay chữa trị hết thảy các bệnh. Giống như cam lồ ăn
không biết chán. Nếu không được bảy giác chi này, các loài chúng sanh
sẽ trôi lăn sanh tử. Các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác
chi.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành[vii].
2. Sự giống nhau và khác biệt giữa hai bản kinh
2. Sự giống nhau và khác biệt giữa hai bản kinh
2.1. Sự giống nhau.
- Về tuyến nhân vật: gồm Đức Phật và Mahā Cunda (bản Hán ghi là Quân-đầu).
- Về thất giác chi: Gồm, niệm; trạch pháp; tinh tấn; hỷ; khinh an; định và xả.
- Người trì tụng thất giác chi: Māha Cunda.
- Đức Phật xác tín vai trò của thất giác chi.
2.2. Sự khác biệt.
- Về địa điểm. Tương Ưng ghi: tinh xá Trúc Lâm thuộc thành Vương-xá. Tăng-nhất-A-hàm ghi: vườn Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.
- Về người bệnh: theo kinh Tương Ưng là Đức Phật. Theo Tăng-nhất-A-hàm là tôn giả Quân-đầu.
- Sau khi nghe Māha Cunda thuyết Thất giác chi, kinh Tương Ưng ghi: Đức Phật khỏi bệnh. Tăng-nhất-A-hàm ghi: Tôn giả Quân-đầu khỏi bệnh.
- Tăng-nhất-A-hàm ghi nhận Đức Phật khuyến tấn trì tụng Thất giác chi. Kinh Tương Ưng không có chi tiết này.
Mặc dù có bốn điểm giống nhau và bốn điểm khác biệt trong hai bản
kinh này, thế nhưng nội dung giống nhau chủ yếu mà cả hai bản kinh cùng
đề cập, đó chính là vấn đề bệnh tật, được nghe thất giác chi và sau đó
lành bệnh. Sự khác biệt quan trọng giữa hai bản kinh là: một bên Đức
Phật bị bệnh và một bên là tôn giả Quân-đầu.
Trong việc tìm kiếm tính logic nội tại từ câu chuyện này, việc tìm
hiểu nhân thân của tôn giả Mahā Cunda là tiền đề góp phần vén bức màn bí
ẩn của sự kiện.
3. Về tôn giả Mahā Cunda.
3. Về tôn giả Mahā Cunda.
Theo khảo sát, trong kinh tạng Nikāya có nhiều nhân vật cùng mang tên Cunda như sau:
- Tên người thợ rèn (kammāraputta) ở Pāvā.
- Sa-di Cunda (Cunda-Samaṇuddesa).
- Mahā Cunda.
- Cūla Cunda.
Theo khảo cứu của G. P Malalasekera (1899-1973) trong Từ điển Phật học nhân xưng Pāli
(Buddhist Dictionary of Pali Proper Names), ngoại trừ người thợ rèn,
thì ba nhân vật Sa-di Cunda, Mahā Cunda và Cūla-Cunda đều chỉ cho một
người[viii].
Chúng tôi đã xem lại cơ sở tham chiếu của chiếu của G. P Malalasekera
và các nguồn tư liệu đều khẳng định rằng, Mahā Cunda chính là người em
trai của tôn giả Sāriputta.
Theo tư liệu Jataka[ix] và Trưởng lão Tăng kệ[x],
tôn giả Mahā Cunda đã từng làm thị giả cho Đức Phật. Ngay trong chuyến
du hành cuối cùng về Kusinārā, tôn giả Mahā Cunda là người xếp áo
Saṇghāti làm bốn để Như Lai nghỉ ngơi sau khi vượt sông Kakutthā[xi].
Đặc biệt, sau khi tôn giả Sāriputta viên tịch ở làng Nāla thuộc vương
quốc Magadha, chính tôn giả Mahā Cunda đã giữ gìn y bát của ngài
Sāriputta, sau đó đem về tinh xá của ông Cấp-cô-độc ở Sāvatthi, để trình
với ngài Ānanda đầu tiên[xii].
Cần phải thấy, tôn giả Sāriputta là một cao đồ của Đức Phật, sự viên
tịch của tôn giả làm cho chúng tỳ-kheo dường như trống không[xiii].
Tuy nắm giữ thông tin về sự kiện tôn giả Sāriputta viên tịch mà nhiều
người muốn biết, nhưng Mahā Cunda vẫn theo phép thầy trò, thưa chuyện
với ngài Ānanda trước, để rồi sau đó được ngài Ānanda dẫn đến hầu Phật,
nhằm trình bày câu chuyện cụ thể và chi tiết hơn.
Cũng liên hệ với tôn giả Ānanda, trong thời gian an cư ở Pāvā, tôn
giả Mahā Cunda biết tin giáo chủ Nigaṇṭha Nātaputta vừa viên tịch và các
đệ tử của giáo phái này đã xung đột, tàn hại lẫn nhau. Ưu tư trước sự
kiện này, liên hệ đến viễn tượng Đức Phật viên tịch; thế nên sau khi kết
thúc mùa an cư ở Pāvā, Sa-di Cunda đã nhanh chóng đến Sāmāgama để thưa
chuyện với tôn giả Ānanda. Sự kiện giáo chủ Nigaṇṭha Nātaputta qua đời
và nỗi lo lắng của Sa-di Cunda được kinh Trường Bộ[xiv] và kinh Trung Bộ[xv] cùng ghi nhận.
Trong cả hai sự kiện quan trọng vừa nêu, tôn giả Mahā Cunda đều trực
tiếp thưa với ngài Ānanda đầu tiên và sau đó, được ngài Ānanda dẫn đến
hội kiến Đức Phật. Trình tự diễn tiến này là cơ sở để G. P Malalasekera
cho rằng, ngài Ānanda là thầy tế độ của Sa-di Cunda[xvi].
Ở đây, trong nội dung câu chuyện được ghi nhận ở kinh Bệnh
(S.v.81) ở trên, tôn giả Mahā Cunda hay tin Đức Phật lâm bệnh liền tự
tiện đến thăm. Liên hệ đến phép ứng xử đúng mực với thầy của mình là tôn
giả Ānanda, qua hai trường hợp vừa dẫn, thì sự việc Mahā Cunda tự mình
đến thăm Đức Phật dường như là một ngoại lệ. Điều này sẽ được làm sáng
tỏ hơn khi xem xét một vài trường hợp liên quan đến bệnh tật của đức Thế
Tôn
4. Tâm thế khi Đức Phật lâm bệnh.
4. Tâm thế khi Đức Phật lâm bệnh.
Với cấu trúc bằng tứ đại, thân thể của Đức Phật cũng tổn hại va hư
hao cùng năm tháng. Sự ngạc nhiên của ngài Ānanda và câu trả lời của Đức
Phật đã nói rõ hơn về thực tế nghiệt ngã này:
- Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế
Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng,
tay chân rã rời (sithilāni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía
trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt
căn, thân căn.
- Sự thể là vậy, này Ānanda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh
bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không
còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía
trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt
căn, thân căn[xvii].
Câu chuyện này đã cho thấy, có thân tứ đại, tất sẽ bị hư hoại theo quy luật tự nhiên hoặc do những yếu tố khác.
Trong kinh điển và luật tạng ghi nhận nhiều trường hợp đức Thế Tôn bị
bệnh, và hầu hết các trường hợp đều do ngự y Jīvaka điều trị, chăm nom.
Trong những lần thân tứ đại lâm bệnh, thì trường hợp Đức Phật bị thương
ở chân do Devadatta xô đá, là một sự kiện phản ánh tầm mức vĩ đại của
một bậc vĩ nhân.
Kinh Miếng đá vụn, Tương Ưng (S.i.27) ghi :
Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải. Cảm thọ Thế Tôn
mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không
khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn
chịu, không phiền não[xviii].
Đoạn kinh trên nhấn mạnh rằng, dù bị miếng đá vụn đâm phải, và đức Thế Tôn có cảm thọ khó chịu về thân (sārīrikā vedanā dukkhā) nhưng Ngài đã chánh niệm tỉnh giác (sato sampajāno), nhẫn chịu (adhivāseti) và không phiền não (avihaññamāno).
Chứng kiến sự kiện này, bảy trăm quần tiên Satullapakāyikā đã thay nhau tán thán:
Sa-môn Gotama thật là bậc Long tượng… là bậc Sư tử…là Lương tuấn
mã….là bậc Ngưu vương…là bậc Nhẫn nại Kiên cường... bậc Khéo điều
phục…..Ngài nhẫn chịu thân thọ khởi lên, khổ đau... không có phiền não[xix].
Trong Cullavagga, chương Chia rẽ hội chúng và Tích truyện Pháp cú[xx] đều ghi nhận sự kiện này với những cách thức biểu đạt rất mực sinh động.
Trở lại với nội dung chính, tức câu chuyện được ghi lại trong kinh Tương Ưng (S.v.81), ghi rằng:
Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh (ābādhiko), khổ đau (dukkhito), bị trọng bệnh (bāḷhagilāno).
Vế sau của câu kinh này thường xuất hiện trong những câu chuyện liên
quan đến bệnh tật, từ bậc xuất gia cho đến hàng cư sĩ như tôn giả
Vakkali (S.iii,119)[xxi]; tôn giả Assaji (S.iii,124)[xxii]; tôn giả Khemaka (S.iii,126)[xxiii], cư sĩ Dīghāvu (S.v,344)[xxiv], cư sĩ Anāthapiṇḍika (S.v,380)[xxv]…với cấu trúc sau: 1. tên một người nào đó; 2. bị bệnh; 3. bị khổ đau; 4. bị trọng bệnh (…ābādhiko hoti dukkhito bāḷhagilāno).
Trong khi đó, theo kinh Miếng đá vụn (S.i.27), cho dù thân thể cảm thọ khó chịu, nhưng Ngài đã chánh niệm tỉnh giác (sato sampajāno), nhẫn chịu (adhivāseti) và không phiền não (avihaññamāno).
Cần phải thấy, một bậc đã giác ngộ viên mãn như Đức Phật, hoàn toàn
tự chủ lẽ sống chết, làm chủ cả thân và tâm, thì không lý nào phải nhờ
một vị xuất gia như Mahā Cunda trùng tuyên lại một nội dung giáo pháp,
mà chính Ngài là người đã phát hiện, chứng nghiệm và tuyên thuyết! Không
những vậy, bậc Y vương như Đức Phật không cần ai bảo hộ mạng sống, dù
đó là hàng đệ tử, như lời Ngài đã dạy trong kinh Tăng Chi:
Mạng sống của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Mạng sống của Ta
thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm". Các đệ tử không có che chở
Ta về mạng sống, và Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về mạng
sống[xxvi]. Từ câu kinh này cho thấy, việc nhờ đệ tử Mahā Cunda tụng thất giác chi để Thế Tôn lành bệnh, là câu chuyện không có cơ sở.
Như vậy, trong sự kiện Đức Phật bị bệnh ở kinh Tương Ưng
(S.v.81), có khả năng tên của Đức Phật bị nhầm lẫn với tôn giả Mahā
Cunda. Khi đối chiếu với bản kinh chữ Hán tương đương, thì câu chuyện
này có sự thay đổi vài chi tiết quan trọng.
5. Tính hợp lý, sinh động của bản kinh chữ Hán.
5. Tính hợp lý, sinh động của bản kinh chữ Hán.
Kinh Tăng-nhất-A-hàm, quyển 33, phẩm Đẳng pháp, kinh số 6, có nội dung tương tự kinh Tương Ưng (S.v,81). Để tiện việc theo dõi, chúng tôi xin được tóm tắt bài kinh như sau:
Tôn giả Quân-đầu bệnh nặng, tư duy tiêu cực, nghĩ rằng bị đức Thế
Tôn bỏ rơi, ngập tràn khổ não. Bằng thiên nhĩ siêu việt, đức Phật nghe
được những lời bi lụy này và dạy các tỳ-kheo cùng đến thăm bệnh tôn giả.
Sau thông lệ thăm hỏi bệnh tình, Đức Phật bảo Quân-đầu: Ông có thể nói cho Ta nghe bảy giác chi không?
Theo yêu cầu của Phật, Quân-đầu trùng tụng bảy giác chi ba lần và sau đó mọi tật bệnh của tôn giả đều được dứt sạch.
Đức Phật tán thán giá trị tối thắng của bảy giác chi và khuyến tấn các tỳ-kheo nên phát tâm hành trì[xxvii].
Theo tư liệu Nikāya đã chứng minh ở trên, tôn giả Mahā Cunda còn là
Sa-di trong thời điểm anh trai ngài là tôn giả Sāriputta viên tịch, và
sau đó vài tháng Đức Phật cũng nhập Niết bàn. Nếu đó là sự thật, tức
Mahā Cunda còn là sa-di khi Phật còn tại thế, thì dễ hiểu tại sao tôn
giả có những tư duy bi lụy, khổ đau trong khi thân lâm trọng bệnh như
kinh Tăng-nhất-A-hàm đã chỉ ra.
Việc tôn giả Quân-đầu theo lời dạy của Phật trùng tuyên thất giác chi
là điều được công nhận ở cả hai truyền thống kinh điển, và điều này
giống với những trường hợp Đức Phật thuyết bảy giác chi cho tôn giả Mahā
Kassapa (S.v,79)[xxviii] và cả tôn giả Mahā Moggalāna (S.v,80)[xxix] được ghi nhận trong kinh Tương Ưng.
Do vậy, câu chuyện tôn giả Quân-đầu bị bệnh, nghe Phật dạy tụng thất giác chi và sau đó khỏi bệnh trong kinh Tăng-nhất-A-hàm, là câu chuyện có nội dung và kết cấu hợp lý.
6. Nhận định
Trong kinh tạng Nikāya, bản kinh có tựa đề là Bệnh (S.v,81) đã lấy việc trì tụng thất giác chi làm liệu pháp trị bệnh. Kinh Tăng-nhất-A-hàm tương đương trong Hán tạng cũng phản ánh vấn đề bệnh tật và đề xuất cách chữa trị bằng cách nghe thất giác chi.
6. Nhận định
Trong kinh tạng Nikāya, bản kinh có tựa đề là Bệnh (S.v,81) đã lấy việc trì tụng thất giác chi làm liệu pháp trị bệnh. Kinh Tăng-nhất-A-hàm tương đương trong Hán tạng cũng phản ánh vấn đề bệnh tật và đề xuất cách chữa trị bằng cách nghe thất giác chi.
Điểm khác biệt quan trọng giữa hai bản kinh chính là, kinh tạng
Nikāya cho rằng Đức Phật bị bệnh, nghe thất giác chi và sau đó khỏi
bệnh. Tư liệu Hán tạng cho rằng, Sa-di Quân-đầu bị bệnh, nghe thất giác
chi và sau đó thoát khỏi bệnh tình. Vậy, trong hai nguồn kinh điển nêu
trên, thì trường hợp nào phù hợp với chân lý?
Theo cách thức tổ chức của kinh tạng Nikāya, thì kinh Tương Ưng là sự tập hợp những bài kinh có cùng một chủ đề (Saṃyutta). Kinh Bệnh (S.v,81) là một kinh ngắn, nằm trong chủ đề thất giác chi, gọi là Tương Ưng giác chi
(Bojjhaṅgasaṃyuttaṃ). Phải chăng, với khoảng thời gian hơn bốn trăm năm
giữ gìn kinh điển bằng cách thức ghi nhớ trước khi được ghi lại thành
văn bản[xxx], đã có một sự nhầm lẫn trong quá trình gìn giữ, ghi chép, tập thành kinh văn liên quan đến bài kinh Bệnh (S.v,81)?
Phải chăng, do quan điểm muốn nhấn mạnh đến vai trò của thất giác chi
trong vấn đề chữa bệnh, cầu an nên đã thay đổi cấu trúc bản kinh? Nghi
vấn này càng được tỏ rõ đối với xu hướng biện giải Phật học, xem bản
kinh này như một Hộ kinh (Parittaṃ).
Có thể nói, từ những đối khảo về nội dung hai bản kinh, từ những phân
tích về nhân thân của tôn giả Mahā Cunda, về tâm thế của Đức Phật khi
lâm bệnh, và đặc biệt là ý kinh Tăng Chi: Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở cho Ta về mạng sống[xxxi]; đã cung cấp nhiều bằng chứng xác thực để có thể khẳng định rằng: bản kinh Tăng-nhất-A-hàm nêu trên chứa đựng những nội dung hợp lý, so với bài kinh Bệnh (S.v,81) trong kinh tạng Nikāya.
Thích Chúc Phú
[i] Thích Minh Châu, So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Luận án tiến sĩ Phật học, Đại học Bihar, Ấn Độ, 1961, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. Xem thêm, Thích Chúc Phú, Kinh tứ thập nhị chương-đối chiếu và nhận định, NXB. Hồng Đức, 2014.
[ii]
Lời giới thiệu luận án tiến sĩ của HT. Thích Minh Châu của viện trưởng
S. Mookerjee, Tân tòng lâm Nalanda, Ấn Độ. Xem, Thích Minh Châu, So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pāli, Ibid, tr. 8.
[iii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 504-505.
[iv] 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十三, 等法品, 六
[v] Dòng ghi chú đó là: Kinh Hán Tạng: Tăng, Đại 2,73la. Xem, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 505n.
[vi] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 504-505
[vii] Kinh Tăng-nhất-A-hàm, bản dịch của HT. Thích Đức Thắng.
[viii] Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 1. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p. 880.
[ix] Jataka, số 456.
[x] Kinh Tiểu Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 471.
[xi] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 324
[xii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 574-577.
[xiii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 577
[xiv] Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 571
[xv] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.301
[xvi] Malalasekera, G.P. Buddhist Dictionary of Pāli Proper Names. Vol 1. London: Luzac & Company Ltd., 1960, p.878.
[xvii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 625.
[xviii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 69.
[xix] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 70
[xx] Tích truyện Pháp cú, tập 2, Viên Chiếu dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.51-52
[xxi] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 743
[xxii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 747
[xxiii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 749
[xxiv] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 723.
[xxv] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 750.
[xxvi] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 719.
[xxvii]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十三, 等法品, 六
[xxviii] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 503-504.
[xxix] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 504.
[xxx] Lamotte, Étienne., History of Indian Buddhism. Paris: Institut Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p. 558
[xxxi] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 719.
No comments :
Post a Comment