Ai cũng biết câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Muốn
thiết lập hạnh phúc hôn nhân, ngoài yêu thương thì kính thuận và nhẫn
nhịn là những đức tính không thể thiếu. Ai cũng mưu cầu một cuộc hôn
nhân hạnh phúc nhưng thực tế thì đời sống vợ chồng luôn thăng trầm, lắm
nỗi nhiêu khê. Trong văn hóa Việt, người vợ thì phải hiền, con dâu thì
phải thảo, người chồng tốt thì phải tận tụy với vợ con. Theo Đức Phật, người chồng tốt phải hội đủ những phẩm chất của
người cha, người bạn và người phục vụ.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Khi ấy, trưởng giả A-na-bân-để có con rễ tên Thiện Sanh, dung mạo đoan
chánh, là con trai quan đại thần của vua Ba-tư-nặc. Ỷ vào dòng họ, cậy gia thế vọng tộc, không cung kính mẹ vợ và vợ, cũng không thừa sự Phật, Pháp, Tỳ-kheo, cũng không kính
phụng Ba ngôi báu.
…
Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau đến nhà trưởng giả, vào
chỗ ngồi. Trưởng giả lại đem ghế nhỏ ngồi trước Như Lai. Thế Tôn bảoThiện Sanh:
- Này trưởng giả! Nên biết làm chồng có bốn cách. Thế nào là bốn? Có
người chồng như cha, có người chồng như bạn thân, có người chồng như giặc, có
người chồng như người phục vụ.
Nay ông nên biết! chồng như cha là tùy thời chăm sóc vợ, không để cho
thiếu thốn, thừa sự cúng dường. Người ấy được sự ủng hộ của chư Thiên,
dù Nhân hay Phi nhân không hại được, chết được sanh cõi trời. Đây gọi là
người chồng như cha.
Thế nào là chồng như bạn thân? Này trưởng giả! Thấy vợ mà không có
tâm tăng giảm, cùng chung khổ vui. Đó là người chồng như bạn thân.
Thế nào là chồng như giặc? Này trưởng giả! Nếu thấy vợ bèn ôm lòng
sân giận, ghét vợ, không thừa sự cung kính, thấy vợ mà muốn
hại, tâm để nơi người khác, chồng không thân với vợ, vợ không thân với
chồng, không được người ái kính, chư Thiên không ủng hộ, ác quỷ xâm hại,
thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục; đó gọi là người chồng như giặc.
Thế nào gọi là chồng như người phục vụ? Ở đây, người chồng lương thiện, thấy vợ bèn
tùy thời săn sóc, nhẫn nhịn lời nói không trả lời lại, nhẫn nại sự lạnh
khổ, thường có lòng từ; đối với Ba ngôi báu cũng sanh ý niệm rằng: 'Ba
ngôi báu còn, ta còn; Ba ngôi báu mất, ta mất'. Do việc này người ấy
được chư Thiên ủng hộ, dù Người hay Phi nhân đều thương tưởng nghĩ nhớ,
khi chết sanh cõi lành, trên trời.
Này trưởng giả! Đó là bốn hạng chồng, nay ông ở vào hạng chồng nào?
Trưởng giả ấy nghe lời Phật dạy, liền đến trước lễ Phật, bạch rằng:
- Cúi xin Thế Tôn! Nay con sửa đổi lỗi cũ, không dám phạm. Từ nay về sau con thường làm pháp lễ độ như người chồng phục vụ…”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 51.Phi thường [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.567)
Rõ ràng, người chồng mà “thấy vợ bèn ôm lòng sân giận, ghét vợ, không
thừa sự kính trọng, thấy vợ mà muốn hại, tâm để nơi người
khác, chồng không thân với vợ, vợ không thân với chồng, không được người
ái kính” thì gia đình ấy thật bất hạnh. Đức Phật nói cưới phải người chồng
như thế chẳng khác nào rước giặc vào nhà. Người chồng mà hội đủ các tật
xấu như thế thì chẳng những hiện đời tạo ra hôn nhân bất hạnh, mà đời
sau phải chịu đọa lạc do hạnh nghiệp xấu của mình.
Trong kinh văn, Đức Phật chỉ gợi mở mà không khẳng định người chồng phải
mang phẩm chất của người phục vụ như nô tỳ. Tuy nhiên, Thiện Sanh đã tự nhận
như thế, và có thể xem đây là phẩm chất lương thiện cần thiết của người chồng tốt, rễ hiển trong thời đại Thế Tôn. Với những đức tính tốt ấy, người
chồng sẽ góp phần kiến tạo hạnh phúc hôn nhân trong hiện tại và một cảnh
giới tái sinh tốt đẹp ở tương lai.
Xét về tên gọi, người chồng như người phục vụ phảng phất quan niệm mẫu hệ trong
hôn nhân thời xưa. Nhưng xét nội dung, những đức tính của người chồng
“lương thiện, thấy vợ bèn tùy thời săn sóc, nhẫn nhịn lời nói không
trả lời lại, nhẫn nại sự lạnh khổ, thường có lòng từ; đối với Ba ngôi
báu cũng sanh ý niệm rằng: Ba ngôi báu còn, ta còn; Ba ngôi báu mất, ta
mất” thì đó là những phẩm chất cần thiết của người chồng Phật tử hiền lương để góp phần xây dựng hôn nhân hạnh phúc.
No comments :
Post a Comment