Saturday, October 17, 2015

Những Lâu Đài Diễm Ảo

(Khi ở trong tình thế rủi ro, nghèo khổ, con người ta mới biết ai là kẻ lạnh cảm, cái gì là thật là giả, ai là đáng quí nhất).
Một.
Mùa Thu năm 1983.
Gồng mình khom lưng trên cỗ xe đạp cũ đã rụng hết dè chắn bùn, hắn kỳ vọng trở về Tây đô, miền gạo trắng nước trong đã từng được ca tụng như là miền đất hứa thuở lưu dân gồng gánh vào Nam khai khẩn. Cơn mưa cuối mùa vào buổi chiều như làm lộ trình càng dài ra bởi không khí bắt đầu se lạnh. Màn tối buông dần. Trên đường quốc lộ ánh đèn pha hắt chói vào mặt hắn từ những chuyến xe ngược hướng. Những xóm nghèo mái lá bên đường hoặc phía xa xa bên kia những cánh đồng mới cấy đã le lói ánh đèn.
     Sương rơi ướt tấm áo mỏng. Hắn chợt rùng mình, cái lạnh bắt đầu thấm vào da thịt. Một cảm giác chơi vơi cô lẻ của kẻ lữ hành vạn dặm cơ hồ len nhẹ vào tâm khảm. Mưa lại rơi nhè nhẹ trên vai, hắn vẫn gắng sức cúi đầu đạp. Hắn cảm thấy ớn lạnh sau mỗi đợt gió thốc vào mặt, vào thân mình co rúm của hắn.
     Mưa...
     Chợt bắt gặp một biển báo bên đường: Địa phận tỉnh Tiền Gian, hắn tự nhủ mình cũng giỏi chán, đã qua khỏi Long An rồi, thế là lộ trình đã rút ngắn, cố lên thôi!
Bắt đầu khởi hành từ Sài
     Gòn lúc 3 giờ chiều, hắn về Cần Thơ với mong ước sẽ kiếm được một việc làm gì đó, có thể là việc đồng áng hay công nhật ở các cơ sở chăn nuôi thủy sản. Vì ngay tại Sài Gòn cuộc sống cũng đang hồi càng lúc càng khó khăn. Nhưng xem ra khởi điểm của hắn trên chiếc xe đạp “trành” chẳng mấy sáng sủa.
     Đang ngon trớn bỗng một cú giựt làm cả xe lẫn người lảo đảo. Lốp xe trước nổ, thế là hành trình coi như tạm ngưng. Chung quanh là cánh đồng cô quạnh, đằng xa có lẽ cũng cả cây số là một chòm cây cao vẻ lên không gian đêm một khối mờ đen thấp thoáng có ánh đèn. Hắn khấp khởi mừng trong dạ: rồi sẽ có chỗ nghỉ tạm qua đêm.
     Hiện ra trước mặt hắn là cánh cổng tam quan thấp thoáng đằng sau là hình bóng một mái chùa có đầu đao vuốt cong toát lên vẻ ấm cúng. A Di Đà Phật, con kính tạ ơn Ngài. Ngay lúc này, hắn hy vọng tràn trề vì thấy mình đang đối diện cánh cửa từ bi phổ độ của Đức Phật.Sau nhiều lần gõ vào cánh cổng, cuối cùng hắn cũng được đáp ứng, một ni cô già khoảng ngoài năm mươi bước ra nhìn hắn với vẻ không được thân thiện.
      -Mô Phật, em cần gì?
     -Thưa sư cô, con bị lỡ đường, trời đã tối, xe con bị hư, con kính sư cô hoan hỷ cho con tá túc tạm mái hiên chùa, sáng sớm mai con đi liền. Sư cô thương con, giờ con không biết chỗ nào...
     -Mô Phật, chắc không được rồi em ơi. Ủy ban xã có quy định ai tá túc qua đêm cũng phải trình báo nhân thân, giờ này cô không thể ra ủy ban trình báo giúp em được. Hoan hỷ nha em.
     -Dạ, con cảm ơn sư cô.Vị nữ tu quay đi rồi mất hút vào bên trong để lại hắn với nỗi thất vọng ê chề.         Bất giác quay nhìn vào tiền diện ngôi chùa, một bức tượng Đức Phật Di Lặc nhìn hắn cười độ lượng sau những song sắt chạy đều của cánh cổng khép kín.
     Đêm đó hắn đành phải co ro chờ trời sáng trong một chòi canh bên vệ đường giữa đồng vắng, bên con bù nhìn rơm với nón lá te tua và bên cỏ cây hoang dại cùng vô vàn âm thanh não hoạt của lũ ếch nhái ễnh ương. Thiên nhiên bao giờ cũng bao dung rộng lượng đón kẻ cùng đường.

Hai.
Mùa Xuân 2012.
     Hôm nay một nhóm Phật tử vùng quê với tay xách nách mang những phẩm vật dân dã, nào rau trái mướp dưa, nào bầu bí khoai lang, gạo nếp mè đậu..., đến để cúng dường Tăng chúng và hòa thượng viện chủ. Hắn nhân duyên cũng là một thành viên trong nhóm, mong góp phần công đức hộ trì Tam Bảo.
     Chùa là một hệ thống các công trình kiến trúc đồ sộ mà điểm nhấn là tòa chánh điện uy nghi mái tiếp mái chập chùng toát lên vẻ đài các của những lâu đài trang viện cổ Trung Hoa. Mặt trước thoáng rộng với thảm cỏ, cây xanh kỳ hoa dị thảo, hồ nước nhân tạo trong xanh. Tượng đài Đức Bồ tát Quán Thế Âm uy nghi với ánh nhìn từ hòa độ lượng. Những lối đi lát đá trang trọng... Tòa cổng thâm nghiêm pha chút lạnh lùng ngăn cách.
     Người bảo vệ đưa mắt nhìn đoàn Phật tử với vẻ dò xét thẩm định như để biết xuất xứ thành phần xã hội. Anh ta hỏi kiểu như
lấy khẩu cung:
     -Các vị cần gì?
     -Chúng tôi là nhóm Phật tử ở tận miền Tây lên đây xin được cúng dường Tam Bảo và diện kiến đảnh lễ vấn an sức khỏe hòa thượng.
     -Chùa chưa đến giờ mở cổng đón Phật tử.
     -Chú hoan hỷ cho chúng tôi vào ngồi nghỉ tạm, đường xa cũng mệt, hoan hỷ nha chú!
     Người bảo vệ sau phút lưỡng lự không nói quay mặt hướng khác.
     Một chiếc xe hơi bóng lộn bóp còi “tuyn tuyn” dừng chờ mở cổng. Người bảo vệ buông một câu hốt hoảng: “Hòa thượng về rồi!” đoạn lật đật chạy lại kéo cánh cổng nặng trịch. Chiếc xe thoáng chốc mất hút vào bên trong.
     Đoàn người vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Người bảo vệ vẫn lạnh lùng đi đi lại lại chẳng buồn để ý đến sự hiện diện của nhóm Phật tử đang nôn nóng muốn được vào bên trong ngôi tự viện. Có ai đó thở dài: “Chắc phải về thôi các vị ơi, chứ đứng đây chờ tới bao giờ?”
     Hắn cũng chột dạ, không lẽ đây là lần thứ hai mình phải mang lấy thất vọng khi đến cửa Thiền?
     Lại tiếng còi xe hơi, lần này những ba chiếc cũng đời mới bóng lộn chẳng kém chiếc xe ban nãy.
     Cũng phong thái cũ, người bảo vệ vội vội vàng vàng kéo cánh cổng rồi cúi chào trịnh trọng như đã
từng biết mấy người này, đoàn xe từ từ vào bên trong sân.
     -Thôi, các vị về đi, hòa thượng giờ lại còn phải tiếp khách quý rồi. Ngày mai quay lại nha
     -người bảo vệ nói như ra lệnh.
     -Chúng tôi vất vả lắm mới đến được đây. Thông cảm không được sao chú?
     -Không được!
     Tay bảo vệ nói như đã được “lập trình” sẵn, mà có lẽ cũng thế thật, anh ta chỉ là người thừa hành. -    -Khách quý ư! Có thể là một đại gia hay nhà chức trách gì đó. Quý hay tiện, khái niệm này vẫn còn tồn tại ngay trong chốn Thiền môn, nơi mà sự phân cấp trần tục và sự phân biệt giàu nghèo coi như đã triệt tiêu ư! hắn nhủ thầm, nhưng cũng may, niềm tin Tam Bảo nơi hắn vẫn chưa suy suyển.
     Cuối cùng, nhóm người tội nghiệp miễn cưỡng quay đi để lại đằng sau bóng dáng sừng sững của ngôi chùa đồ sộ mà chắc chắn đối với họ sẽ chỉ còn đọng lại như
một ký ức buồn. Họ sẽ không bao
giời trở lại đó một lần nào nữa.

Ba.
Mùa Thu năm 2015.
     Vùng cao nguyên Nam Trung phần với chập chùng đồi thông, gió vi vu, mây lãng đãng, phảng phất vẻ tịch mịch u nhàn. Chiều xuống nhẹ nhàng với màu nắng vàng pha sắc mật ong quyến rũ. Thiên nhiên tình tự rì rào lời của gió và xa xa là tiếng rì rầm dòng suối ẩn khuất trong cây. Hắn thận trọng từng bước một đến trước thiền thất của vị thầy, người ẩn tu nơi này cùng với một tiểu tăng.
     -Mô Phật, mời đạo hữu vào
     -tiếng của thầy cất lên như vừa đủ để hắn nghe.
     -Mô Phật, dạ! con bạch thầy.
     -Đến nơi này tâm trạng đạo hữu thấy thế nào?
     -Dạ bạch thầy, tâm con thơ thới, cảnh vật gần gũi nên thơ và đạo vị ạ!
     -“Tùy sở trú xứ thường an lạc,” phương tiện ban đầu là cần thiết, nhưng phải đến một lúc mỗi chúng ta cần phải đối diện mọi hoàn cảnh, biết tu trong mọi hoàn cảnh, tĩnh tâm trong mọi
tình huống,...
     -Mô Phật, con xin lĩnh hội ạ.
     Sáng hôm sau, hai thầy trò cần mẫn bê những phiến đá để lát lối đi vào khu thiền thất.
     -Chúng ta tận dụng những vật liệu có sẵn để đỡ khỏi phải hao tốn của tín thí. Quả là chung quanh ta không thiếu những vật hữu ích phải không đạo hữu.
     -Dạ, con bạch thầy.
     Hắn vui khi cúi xuống hái nhặt những ngọn rau xanh do chính tay nhà sư trồng; hắn cũng rất ấm lòng khi nghe những câu Pháp thoại ngắn gọn súc tích và đầy ý nghĩa của vị thầy nơi sơn dã. Khi quay lại mái thiền thất đơn sơ, hắn nhận ra những khuôn mặt ngây thơ tươi sáng của những đứa trẻ người thiểu
số. Chúng hân hoan rối rít với những gói mì và sách bút ít ỏi từ tay nhà sư. Sau đó hắn còn được biết chính thầy cũng là người dạy cho đám trẻ tập đọc, tập viết.
     Ngồi tựa lưng vào gốc cổ thụ hướng nhìn mấy mái lá đơn sơ thấp thoáng bóng nâu sồng bình dị giữa rừng đồi vắng vẻ, nơi có hai thầy trò ẩn cư tu tập, hắn chợt hiểu ra: những giá trị thật của cuộc đời, của Phật Pháp vẫn còn đâu đó quanh ta. Chợt cái nặng nề ám ảnh của những ngôi tự viện bề thế nguy nga, nơi hai lần đã đem đến cho hắn sự thất vọng ê chề giờ bỗng cảm thấy nhẹ tênh, thôi đèo bòng tâm tưởng. Bất giác hắn
mỉm cười xí xóa: Ôi, những lâu đài diễm ảo!
Thiên Hạnh
(Sài Gòn, Thu 2015)
Thiên Hạnh
Chánh Pháp số 47

No comments :

Post a Comment

BUDDHISM AND MAGAZINES/TODAY NEWS